Hỗ trợ khách hàng 24/7 090 48 99990

Trang chủ/Tin tức/

Quá trình làm ra Surface 3: chiếc tablet bé nhỏ của Microsoft đã trưởng thành

3010236_Microsoft_Surface_3_HEADER

Cuối cùng Microsoft cũng đã ra mắt Surface 3, một lựa chọn rẻ tiền hơn và nhỏ gọn hơn so với chiếc Surface Pro 3 nhắm đến những người dùng thích máy tính lai. Lần này Microsoft không đi theo con đường cũ là Windows RT nữa mà chọn sử dụng Windows 8.1 đầy đủ cho thiết bị của mình, đồng thời cải tiến vỏ bàn phím cũng như loại bỏ quạt tản nhiệt để tạo ra một mẫu tablet rất hấp dẫn giá chỉ từ 499$. Để hiểu thêm về quá trình Microsoft nghiên cứu cũng như làm nên sản phẩm này, mời các bạn theo chân trang Engadget đến với phòng thí nghiệm và phát triển sản phẩm của hãng.

Tham gia cùng phóng viên của Engadget còn có Ralf Groene, giám đốc sáng tạo của nhánh Surface. Họ gặp nhau tại Building 87, một tòa nhà của Microsoft tại bang Washington, Mỹ, nơi chứa phòng thí nghiệm rộng đến 9290 mét vuông chuyên dùng để thiết kế, tạo bản mẫu và thử nghiệm sản phẩm của bộ phận Microsoft Device (tất nhiên, bao gồm cả Surface). Mở đầu cuộc nói chuyện, Groene nói về cách mà hãng đã tạo ra chiếc Surface đời đầu cũng như khối lượng công việc cần làm để mang thiết bị này từ một nguyên mẫu trở thành một sản phẩm bán rộng rãi.

Chiếc bàn gỗ trước mặt họ đã được thiết kế riêng để chứa tất cả mọi thiết bị Surface từng được làm ra, và trong đó có mặt nguyên mẫu đầu tiên của chiếc tablet. “Cái đầu tiên được làm ra từ một chiếc máy cắt laser”, Groene vừa nói vừa cười. “Đây là model đầu tiên được chấp thuận bởi bên kinh doanh (ảnh dưới), từ thời mà Steven Sinofsky (cựu chủ tịch mảng Windows) còn làm việc”. Thứ mà ông đang nói đến trông rất cũ đến nỗi bạn nghĩ nó đã được xài trong một cuộc chiến tranh nào đó, ngoài ra còn có keo và băng dính để các bộ phận không bị rớt ra. Mặc dù vậy, với Groene và với cả Microsoft thì đây là một mảnh không thể thay thế trong lịch sử phát triển của công ty. Đây là nơi bắt đầu của mọi chuyện.

Nguyen_mau_Surface_4.

 

Quay lại với Surface 3, thiết bị này sử dụng màn hình 10,8″ với CPU Intel Atom x7 và có mức giá khởi điểm là 499$, kèm theo đó là bộ nhớ trong 64GB và RAM 2GB. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất ở sản phẩm này đó là nó hỗ trợ Windows 8.1 (và trong mùa hè năm nay sẽ được nâng lên Windows 10). Nhờ hệ điều hành này bạn có thể chạy bất kì ứng dụng dạng exe nào mà không gặp trở ngại như hồi Windows RT. Ngoài ra, máy cũng được sạc bằng cổng microUSB nên bạn không còn phải lo lắng khi lỡ làm mất bộ sạc của Surface 3, trong khi chiếc Surface Pro 3 trở về trước thì toàn dùng cổng sạc riêng do Microsoft thiết kế.

Cũng còn một vài thay đổi khác nữa mà Microsoft hi vọng sẽ giúp xóa đi thất bại của những đời Surface 1 và Surface 2, bao gồm việc chuyển từ màn hình tỉ lệ 16:9 sang 3:2 nhằm mang lại một cảm giác cân bằng hơn cho người dùng ở mọi phương cầm máy. Độ phân giải trên thiết bị giờ đây là 1920 x 1280 chứ không phải là 1920 x 1080 nữa. Không sai khi nói rằng Surface 3 là một phiên bản thu gọn của Surface Pro 3, hay nếu bạn muốn gọi nó là Surface Mini thì cũng được. Mặc dù vậy, màn hình của máy vẫn đảm bảo chất lượng cao dù đã được thay đổi đôi chút trong quá trình sản xuất nhằm giảm giá thành.

Building_Microsoft_Lab_Surface_3_19.

Chia sẻ thêm về màn hình của Surface 3, Groene nói: “Khi chúng tôi phát triển chiếc Surface đời đầu, hệ điều hành gần như được thiết kế cho màn hình 16:9 và đây là lý do vì sao Surface 1 ra đời với tỉ lệ đó. Thế rồi chúng tôi học được rằng điều này cần phải được thay đổi để việc sử dụng ở phương dọc được tốt hơn”.

Phần cứng chỉ mới là một nửa của phương trình, nửa còn lại nằm ở phần mềm. Đây cũng là một yếu tố quan trọng trong việc định hình trải nghiệm người dùng. Một công ty làm rất tốt chuyện này là Apple, hãng đã liên tục tích hợp tốt giữa phần mềm và phần cứng để đem lại trải nghiệm tốt nhất có thể cho khách hàng của mình. Khi được hỏi rằng nhóm phần cứng và mềm đã làm việc chặt chẽ với nhau như thế nào trong quá trình tạo ra Surface, Groene nói là rất chặt chẽ. Ông cũng nhận xét điều đó là cực kì quan trọng cho cả đội, và ở cấp độ của một nhà thiết kế trưởng, ông tin rằng “nếu bạn muốn làm ra các sản phẩm tốt hơn, đến một lúc nào đó bạn cũng sẽ phải đụng đến phần mềm”.

Còn khi được hỏi rằng liệu ông có học hỏi gì từ các đối thủ của Microsoft, ví dụ như Apple, hay không, ông trả lời: “Nhìn chung, khi chúng tôi tìm ra một sản phẩm có thể làm chúng tôi hứng thú hay mang lại cảm hứng – và nó cũng có thể là một chiếc máy ảnh Leica chẳng hạn – chúng tôi sẽ bắt đầu mổ xẻ nó, chúng tôi xem xét sản phẩm của những công ty khác và cố gắng hiểu cách mà những thứ này được làm ra”. Ông bổ sung: “Làm thế nào người ta có thể làm được một vài thứ, ví dụ như chất lượng hoàn thiện cao, làm sao họ làm được cái này cái kia… Tôi nghĩ, ở nhiều cấp độ khác nhau, chúng tôi rất hứng thú với các đối thủ của mình. Nhìn rộng hơn thì các hãng đều học hỏi lẫn nhau.”

Một trong những lý do mà Apple thành công đó là tự mình thiết kế cả phần cứng lẫn phần mềm, cũng là cách tiếp cận mà Microsoft bắt đầu áp dụng cho chiếc Surface đời đầu tiên và hãng tiếp tục duy trì nó với Surface 3. Groene, người đã làm việc cho công ty hơn 8 năm, nói rằng đó là lý do vì sao việc có một phòng thí nghiệm lớn như thế này ngay trong trụ sở của Microsoft là chuyện quan trọng. Ở đây, họ có thể biến ý tưởng thành hiện thực trong vòng vài phút nhờ vào nhiều cách khác nhau. Ví dụ, mọi người đều cùng làm việc chặt chẽ trong một dự án, họ cũng có nhiều máy móc hiện đại mô phỏng lại dây chuyền sản xuất đang khai thác trong nhà máy Microsoft tại Trung Quốc, ngoài ra còn có một căn phòng với đầy những máy in 3D chuyên nghiệp.

Building_Microsoft_Lab_Surface_3_12.

 

Một ví dụ của việc tận dụng phòng thí nghiệm hiện đại này đó là quá trình thiết kế và in 3D những chi tiết nhỏ của thiết bị, ví dụ như chân chống chẳng hạn. Groene và nhóm của ông đã lặp đi lặp lại quá trình này trong nhiều tháng trời chỉ để tạo ra một cái chân đế mà họ cảm thấy vừa ý. Surface 3 không sử dụng chân chống với góc nghiêng có khả năng điều chỉnh thoải mái như Surface Pro 3, thay vào đó nó xài hệ thống 3 góc cố định được thiết kế để tăng cường độ vững chắc cho máy, đặc biệt là khi gõ bàn phím, so với Surface 2 và Surface 1.

“Chân chống của chiếc Surface 1 chỉ có thể bẻ ra một góc, và khi đó chúng tôi nhận thấy rằng người ta cũng muốn xài máy trên đùi nữa. Đến chiếc Surface 2 chúng tôi thêm vào một góc nữa nhưng rồi lại phát hiện rằng người ta muốn chân chống có khả năng nghiêng bất kì góc nào mà người dùng muốn. Tuy nhiên, để mang được cơ chế đó lên Surface 3 thì mất nhiều thời gian hơn”, Groene chia sẻ.

Groene nhấn mạnh rằng với những gì hiện có, ông và nhóm của mình có thể thoải mái sáng tạo. Đây cũng là cách mà công ty đã thiết kế ra logo Microsoft mới bóng bẩy nằm ở mặt sau của Surface 3, cũng như tìm được vị trí tối ưu để đặt ăng-ten Wi-Fi, Bluetooth, LTE.

Building_Microsoft_Lab_Surface_3_17.

Không như Surface 3, chiếc Surface đời đầu tiên không được thiết kế trong Building 87 mà ở Studio B, một không gian chật hẹp trong tầng hầm của một tòa nhà khác trong khuôn viên trụ sở. Studio B cũng là nơi làm việc của nhóm Surface trước khi họ dời về đây. Groene rất lấy làm tiếc vì điều đó. “Tôi ước nó được làm ở đây, bởi vì những công cụ mà chúng tôi có ở Building 87 mạnh hơn cả nghìn lần so với phòng thí nghiệm khác”.

Tóm lại thì trông Groene rất tự tin rằng thiết kế đẹp và không cần quạt của Surface 3, kết hợp với mức giá hấp dẫn và những hứa hẹn của Windows 10, sẽ giúp mang nhiều người hơn đến với hệ sinh thái Microsoft. Nhất là sinh viên, ông nhấn mạnh. “Tôi luôn thích nhìn vào Surface như là một giai đoạn của việc phát triển phần mềm. Nó không chỉ là một cục phần cứng”. Khi được hỏi rằng ông học hỏi được gì từ sai lầm của những chiếc Surface trước, nếu có, Groene đáp: “Bạn định nghĩa như thế nào về sai lầm? Chúng tôi học hỏi từ mọi sản phẩm mà chúng tôi tạo ra, thông qua những quy trình thiết kế và kĩ thuật, và quan trọng hơn hết, đó là từ những phản hồi của khách hàng đã đóng góp cho chúng tôi”.

Vậy bạn có phản hồi gì với Microsoft không?

Nguồn: Engadget

Tư Vấn Mua Hàng

Ms. Vũ Thị Hòa | Vũ Thị Hòa

0964527700 | kinhdoanh2@tht.com.vn

Ms. Mai Tường Vy | Mai Tường Vy

0964537700 | kinhdoanh3@tht.com.vn

Mr.Hải Tú | Lê Hải Tú

0983057066 | tulh@tht.com.vn

Hỗ trợ kỹ thuật

support@tht.com.vn

0904899990

Tìm theo giá